Đền ông Hoàng Mười
1. Truyền thuyết về ông Hoàng Mười Đền ông Hoàng Mười, nghe tên đã biết là để thờ cúng ai rồi đúng không nào? Có rất nhiều truyền thuyết về ngài. Chuyện xưa ghi chép lại, Thánh ông là con của vua Bát Hải Động Đình lịch kiếp thành một vị tướng giỏi dưới thời nhà Lê là Lê Khôi, giúp dẹp tan giặc Minh.
Bình
định thiên hạ, nhân dân ấm no, ngài quay về với thân phận theo lệnh vua cha. Để
tưởng nhớ công lao to lớn của ngài, nhân dân xứ Nghệ tôn ngài là “Đức thánh
minh” và lập lên đền ông Hoàng Mười để đời sau tưởng nhớ, hương hỏa.
Truyền thuyết này kể về xuất thân của ngài trong hệ thống Đạo Mẫu nước ta. Bên cạnh truyền thuyết ấy còn có một tích khác thuyết phục hơn về nhân vật được thờ phụng trong đền ông Hoàng Mười. Theo đó, thánh tích quan Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí – một tướng tài giỏi dưới thời Hậu Lê.
Nguyễn Xí, xuất thân tại mảnh đất xứ Nghệ (ngày nay) là một võ tướng, chính trị gia nhiều lần giúp vua Lê Lợi đánh giặc Minh và phò tá qua bốn đời vua Lê. Từ vua Lê Thái Tổ đến Lê Túc Tông – giai đoạn đỉnh cao của nhà Lê. Bên cạnh là một công thần được người người kính nể, vị tướng tài này còn có công lao lớn trong việc giúp dân giảm nghèo.
Được phân quản đất Nghệ – Tĩnh, ông dạy dân trồng lúa, đắp đê, ngăn lũ và làm thủy lợi. Tương truyền rằng, một lần bão lớn, nhà cửa cùng mùa mang của người dân đều mất sạch, ông đã cùng với quân đốn củi dựng nhà, mở kho lương tiếp tế giúp dân thoát cảnh đói rét.
Chính vì thế, ông được muôn dân yên mến, nể trọng, ví tựa một vị thánh sống. Khẳng định lòng tôn kính của mình, sau khi ông mất, nhân dân đã cất công xây dựng, lập đền thờ ông Hoàng Mười ở cả hai tỉnh Nghệ – Tĩnh. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi: Tại sao có 2 đền ông Hoàng Mười.
Còn dựa trên nhiều tài liệu thu thập được thì vị quan chính được thờ trong đền ông Hoàng Mười là vị tướng họ Nguyễn, tự Duy Lạc là vị tướng có tài thao lược, bao lần phò tá vua Lê và dẹp giặc bình thiên hạ. Cả phụ thân và con trai của ông cũng đều là công thần được sắc phong nhiều danh hiệu cao quý.
Như vậy, dù là tích nào, ở xứ Nghệ hay Hà Tĩnh, ngài đều hiện lên là một “Nhân thần hiển thánh” có công lao to lớn đánh đuổi ngoại xâm, cứu dân, cứu thế. Khi ngài mất thì có mây ngũ sắc kết xích mã cùng các thiên binh, thiên tướng rước về.
2. Các dấu tích còn sót lại tại Hà Tĩnh
Đi cùng với các truyền thuyết, nhiều dấu tích về ngài còn được lưu lại, đặc biệt nhất là Đền Chợ Củi và Dinh Đô mang tên ngài.
Ông Hoàng Mười là một vị tướng Lê Khôi thì chuyện kể rằng sau khi dẹp giặc hồi hương, bất ngờ kéo đến cuồng phong cuốn nát nhà dân. Ông cùng binh lính chặt tre dựng nhà giúp dân, không may ông gặp nạn trong lúc đi bè. Để tỏ lòng thương nhớ, biết ơn, người dân đã lập lên ngôi đền Củi rất thiêng không kém đền ông Hoàng Mười này.
Dinh Đô Quan Hoàng Mười tại đất Hà Tĩnh, khởi công vào những năm 60 của thế kỷ 11, dưới triều đại nhà Lý. Nơi đây thờ ông Hoàng Mười – một vị tướng tài ba phối thờ với thần Sông là bà Ngọc Dung con gái nuôi của vua cha Lê Lợi – cũng hy sinh anh dũng chống giặc Minh.
Trải qua thời gian dài với nắng mưa, bom đạn cuối cùng đền xuống cấp, bị tàn phá và bị lũ cuốn trôi chỉ còn nền, móng và bàn thờ Công Đồng còn sót lại do người dân nơi đây dựng lên. Dù vậy đây cũng là minh chứng rõ ràng cho sự hiện diện của thánh quan trong đền thờ ông Hoàng Mười.
3. Lịch sử hình thành
Không chỉ ở Hà Tĩnh hay Nghệ An, ở nhiều vùng trên đất nước, khách du lịch cũng sẽ bắt gặp những ngôi đền thờ ông Hoàng Mười được người dân tôn kính dựng lên.
Đền ông Hoàng Mười được thi công năm 1634. Trải qua vô vàn biến cố lịch sử, đền ông Hoàng Mười xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1995, đáp ứng nguyện vọng của người dân, chính quyền đã cho tu sửa, tôn tạo lại đền. Nhờ đó mà đứng trước sức mạnh của thời gian, đền ông Hoàng Mười Nghệ An vẫn còn nguyên khung nhà cũ và nét đẹp vốn có.
Năm 2011, tiếp nối những tâm huyết gìn giữ của thế hệ trước, được sự ủng hộ của chính quyền tỉnh, sự đóng góp của người dân và các nhà hảo tâm, đền ông Hoàng Mười lại một lần nữa hồi sinh, phục dựng và khoác lên chiếc áo mới khang trang.
Đền thờ ông Hoàng Mười cũng vinh dự được UNESCO Việt Nam vinh danh là ngôi Đền chuẩn Tam Tứ Phủ, chuẩn với các nghi lễ truyền thống của nước nhà. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị của đền ông Hoàng Mười cũng như công sức bảo vệ, tái tạo đền của nhân dân, chính quyền địa phương.
4. Giá trị của đền
Với lịch sự hình thành và phát triển lâu đời, trải qua nhiều thời kì, biến cố lịch sử sâu sắc, đền ông Hoàng Mười ẩn chứa những giá trị to lớn mà hiếm ngôi đền nào có được trên đất nước ta.
Đền thờ ông Hoàng Mười trước hết là một điểm đến tâm linh linh thiêng và có vị trí quan trọng trong Đạo thờ Mẫu. Đền ông Hoàng Mười thờ ngài cũng là hiện diện của vị công thần có thục tại xứ nghệ, vừa dẹp giặc vừa cứu giúp nhân dân vượt qua hoạn nạn. Vậy nên, người dân dâng lễ lên ngài, ngài về Ngự đồng ban tài, lộc cho muôn dân trăm họ.
Nét đẹp của thờ cúng ngài, nét đẹp nơi đền ông Hoàng Mười Nghệ An cũng nhờ thế mà thể hiện tấm lòng khoan dung, độ lượng cũng như giá trị nhân văn sâu sắc trong dân tộc Việt Nam.
Đền ông Hoàng Mười là một trong những ngôi đền quan trọng bậc nhất trên mảnh đất này. Hằng năm, mỗi dịp lễ tết, ngày rằm mùng một hay đặc biệt là ngày 10/10 âm lịch – ngày quan giáng sinh, hàng vạn người dân địa phương, khách du lịch lại nô nức sắm lễ tới đền ông Hoàng Mười.
Từng dòng người tấp nập xếp hàng tới đền thờ ông Hoàng Mười dài mãi tới tận sông Lam. Người ta thắp hương tỏ lòng thành kính, dâng lễ để cầu gia đình hạnh phúc, ấm no, cầu đất nước yên bình, cầu tài cầu lộc, đôi khi là dâng cả cờ quạt bút sách để mong cho con cháu đỗ đạt, thành tài rạng danh dòng họ.
Với giá trị to lớn như vậy, đền ngày càng được sự quan tâm của các cấp chính quyền và ủng hộ của người dân. Nhờ đó mà nơi đây cũng ngày càng xây dựng khang trang hơn. Tiếng lành đồn xa, đền ông Hoàng Mười còn thu hút rất nhiều khách du lịch, góp phần phát triển du lịch và đảm bảo kinh tế cho người dân xứ Nghệ An – Hà Tĩnh.
5. Vẻ đẹp của đền ông Hoàng Mười
5.1 Không gian và bố cục
Đền ông Hoàng Mười đi qua hơn 4 thế kỉ sở hữu cho mình một vẻ đẹp độc đáo, mang đậm dấu ấn thời đại. Vẻ đẹp ấy trước hết khởi nguồn từ không gian và bố cục. Đền ngự tại vị trí đẹp, bốn bề non xanh, nước biếc nên thơ.
Không gian mở ra với vẻ đẹp sông nước hữu tình, rộng rãi và thoáng mát. Đối diện là Lam giang mềm mại tựa dải lụa đào, thuyền bè ngược xuôi, bao quanh là sông Cồn Mộc dập dìu ôm ấp, xa xa đưa lại là hương lúa thoang thoảng của cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay.
Chưa dừng lại ở đó, không gian bao quanh đền như được đẩy xa và cao hơn với dãy núi Quyết, núi Kỳ Lân hùng vĩ, với Phương Hoàng Trung Đô khoác trên mình bao dấu tích lịch sử, với bạt ngàn những cánh rừng thông.
Khu đền ông Hoàng Mười gồm ba tọa điện: Thượng, Trung và Hạ được bố trí lần lượt, hợp lý tiện lợi cho du khách ghé qua thăm quan và tìm hiểu. Phía sau khu đền thờ là một gian nhà khá rộng rãi cho khách du lịch chuẩn bị lễ hay bày hoa quả dâng cúng.
5.2 Kiến trúc và thiết kế
Không chỉ ấn tượng với không gian và bố cục, đền ông Hoàng Mười còn đặc biệt, tinh tế trong việc lựa chọn kiến trúc và thiết kế. Vừa mới bước vào đền, điều người ta đặc biệt ấn tượng nơi đây là công trình làm hoàn toàn bằng gỗ quý, sơn son.
Trên những cánh cửa, trần nhà là những họa tiết trạm trổ tinh xảo, công phu với: long, ly, quy, phụng. Tổng thể đền thờ ông Hoàng Mười sau khi phục dựng là bức tranh kiến trúc mang dáng dấp nhà Lê mà đậm chất triều Nguyễn.
Chưa khỏi hết cuốn hút với chất liệu và họa tiết, dời mắt ngước nhìn lên mái đền ông Hoàng Mười, du khách cũng không khỏi trầm trồ tấm tắc khen ngợi mái ngói nổi bật với hoa văn chạm trổ hình rồng ở chóp, rồi thì hình ảnh song long chầu nguyệt biểu tượng cho sinh sôi nảy nở, hòa hợp âm dương, đất trời song hành.
Đây là những nét đẹp văn hóa quen thuộc trong kiến trúc đền, chùa của dân tộc. Tam quan nối tiếp nhau, du khách có thể thuận tiên tham quan, càng đi sâu càng nhiều điều cần khám phá.
Tượng trong đền ông Hoàng Mười cùng các vị thánh khác được khắc tinh tế, rực rỡ. Ban thờ lúc nào cũng nghi ngút hương khói và tấp nập đồ lễ. Các bục gỗ chắc chắn, được sơn son, nhiều chi tiết mạ vàng óng ánh, nổi bật. Tất cả đều gọn gàng, ngăn nắp và uy nghiêm đến lạ.
5.3 Một vài lưu ý khi đến tham quan đền ông Hoàng Mười
Để đảm bảo chuyến tham quan địa điểm linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ được diễn ra trọn vẹn, ngoài việc chú ý giờ giấc và chuẩn bị chút tiền mua lễ và cúng dường công đức thì quý khách cũng cần lưu tâm đến một số vấn đề sau:
Đầu tiên, du khách nên tham quan đền thờ ông Hoàng Mười vào những dịp lễ lớn để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp, không khí, tín ngưỡng thờ cúng trong đền. Một số lễ lớn trong năm: Lễ rước sắc (14-16/3 âm lịch), lễ tưởng nhớ thánh quan – lễ giáng sinh của ngài (9-11/10 âm lịch), ngày Tết và các dịp mùng một, ngày rằm,…
Thứ hai, đến đền ông Hoàng Mười cầu gì? Thánh quan là một vị tướng giỏi, có tài thao lược lại giỏi chính trị, vừa dẹp giặc vừa cứu độ muôn dân. Vì vậy đến đây, quý khách có thể cầu tài, cầu học hành thi cử, cầu lộc, xin lộc sức khỏe hay lộc buôn bán,… Tùy từng nhu cầu mà có văn khấn riêng, quý khách cũng nên lưu tâm.
Tiếp đến là vấn đề sắm lễ. Tới đền ông Hoàng Mười thì nên sắm lễ gì? Lễ đầy đủ theo Tứ Phủ sẽ gồm lục cúng (tức hoa quả tươi, đèn, nến, trà, nhan thơm cùng một số loại thức ăn hoặc lễ mặn như oản, thịt, giò,… ) hoặc tham khảo trước lễ vật dâng thánh quan.
Nếu không có điều kiện hoặc ghé thăm đền vào những ngày thường, du khách có thể chỉ dâng hương và công đức cũng như đặt lễ hộp bánh, hoa quả để tỏ lòng thành kính.
Dù là chọn lễ nào thì quý khách nên lưu ý ưu tiên chọn lễ màu vàng – màu yêu thích của thánh quan khi Ngự đồng, và nên tìm hiểu thật kỹ để mua lễ, tham khảo giá nhiều hãng rồi mới mua, tránh bị chặt chém hay mua lễ không chuẩn.